Monday, February 24, 2014

Phát triển lĩnh vực tự động hóa: Liên kết “ba nhà”

Ngành công nghiệp tự động hóa ngày càng có vai trò quan trọng và hết sức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong tiến trình công nghiệp- hiện đại hóa nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình.
Tự động hóaTheo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, trong mấy năm trở lại đây, ngành tự động hóa đặc biệt phát triển. Hiện nay, tự động hóa bắt đầu đi vào cuộc sống, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: điều khiển các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, các nhà máy chế biến lọc dầu, các nhà máy hóa chất. Ngoài ra, tự động hóa còn được áp dụng trong hầu hết các dây chuyền sản xuất tự động, cụ thể là trong sản xuất công nghiệp nhẹ; công nghiệp tàu thủy; công nghiệp chế tạo lắp ráp ô tô, xe máy; khai thác khoáng sản và luyện kim; chế tạo máy; lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Điểm đặc biệt là đa số những nhà máy này do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo và tích hợp, cụ thể là: các dây chuyền đóng gói tự động đạt chất lượng rất cao… Trong các lĩnh vực chế biến hàng nông sản và hàng thực phẩm, tự động hóa cũng được ứng dụng rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang ứng dụng rất rộng rãi các thiết bị đo, kể cả hệ thống đo lường thông minh.
Mặc dù tự động hóa đang phát triển, nhưng Việt Nam mới làm chủ công nghệ này ở một số lĩnh vực như: da giày, may mặc, dây chuyền đóng chai rượu bia, nước giải khát, các dây chuyền đóng gói sữa, sản xuất mì tôm… Còn các dây chuyền hiện đại phục vụ cho các nhà máy lọc hóa dầu, các nhà máy nhiệt điện thì vẫn phải phụ thuộc vào trang thiết bị của nước ngoài. Chuyên gia Việt Nam chỉ có thể cải tạo, điều khiển từng khâu.
Ông Đỗ Hữu Hào cho rằng: Hiện nay, trình độ tự động hóa ở Việt Nam đang ở mức trung bình. Chưa có thống kê chính xác về đóng góp của ngành tự động hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, về cơ bản tự động hóa chiếm khoảng 25-30%  toàn bộ quá trình sản xuất. Tự động hóa tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như các nhà máy điện, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, các nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm (bia, rượu, nước giải khát) và một số dây chuyền may mặc hiện đại.
Để công nghệ tự động hóa được chuyển giao và ứng dụng vào đời sống nhiều hơn nữa, trong thời gian tới, ngành tự động hóa cần tập trung vào hai nhiệm vụ cơ bản: Thứ nhất, thông qua Chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) trọng điểm cấp nhà nước về nghiên cứu và ứng dụng tự động hóa, qua đó, chọn lọc các kết quả nghiên cứu đưa vào sản xuất thông qua các chợ về chuyển giao công nghệ để đưa đến người sử dụng. Thứ hai, hiện nay, từ kết quả nghiên cứu đến ứng dụng là một bước dài rất khó khăn, không chỉ phụ thuộc vào các nhà khoa học, mà còn phụ thuộc vào yêu cầu của các doanh nghiệp, vì vậy, cần có sự hỗ trợ đắc lực của doanh nghiệp.
Để phát triển lĩnh vực này trong tương lai, hiện nay, Hội Tự động hóa Việt Nam đã kết hợp với ba nhà: nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, nhà giáo. Vừa kết hợp nghiên cứu cho doanh nghiệp ứng dụng, vừa có hệ thống giáo dục đào tạo truyền đạt kiến thức cho nhiều người khác. Đó là sự kết hợp cả khoa học - công nghệ với thương trường và giáo dục – đào tạo.
Theo “Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/6/2011, từ nay đến năm 2020, sẽ khuyến khích sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin – truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Theo đó, trong lĩnh vực tự động hóa chú trọng nghiên cứu và chế tạo hệ thống thiết bị đo lường, các cơ cấu chấp hành, các bộ điều khiển và giám sát tự động cho hệ thống thiết bị đồng bộ; robot công nghiệp chuỗi hở; bộ điều khiển số CNC cho máy công cụ và gia công chế tạo; cảm biến và cơ cấu chấp hành thông minh…
Nguồn: baocongthuong


No comments:

Post a Comment